Quay trở lại danh sách
Thông báo

Một số điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022

13/01/2023

Ngày 14/11/2022 Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã biểu quyết thông qua Luật Thanh tra. Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực thi hành từ 01/07/2023, thay thế Luật Thanh tra năm 2010.

Luật Thanh tra (2022) có 8 Chương và 118 Điều, bao gồm: Chương 1. Những quy định chung; Chương 2. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; Chương 3: Thanh tra viên, người được giao thực hiện thanh tra chuyên ngành; Chương 4: Hoạt động thanh tra; Chương 5. Thực hiện kết luận thanh tra; Chương 6. Phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra. Chương 7. Điều kiện đảm bảo hoạt động thanh tra; Chương 8. Điều khoản thi hành.

Luật Thanh tra năm 2022 có nhiều điểm mới khắc phục những tồn tại của Luật Thanh tra năm 2010, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Luật cho phép Tổng cục, Cục thuộc Bộ thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành.

Thứ hai, Luật quy định linh hoạt về việc thành lập thanh tra sở. UBND cấp tỉnh đã được trao quyền chủ động thành lập thanh tra sở.

Thứ ba, hoạt động thanh tra đã được quy định với nội dung công việc đầy đủ và cụ thể. Các bước tiến hành cuộc thanh tra bao gồm: chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra trực tiếp và kết thúc thanh tra trực tiếp.

Thứ tư, Luật quy định rõ việc thẩm định Kết luận thanh tra là thủ tục bắt buộc đối với dự thảo kết luận thanh tra đối với Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ và Thanh tra tỉnh; đối với dự thảo kết luận thanh tra của các cơ quan thanh tra khác được thực hiện khi cần thiết.

Thứ năm, Luật quy định về giám sát của Giám sát hoạt động Đoàn thanh tra nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nâng cao kỷ luật, kỷ cương đối với người tiến hành thanh tra.

Thứ sáu, Luật Thanh tra năm 2022 đã có những quy định cụ thể chặt chẽ hơn về việc báo cáo trước khi ban hành kết luận thanh tra; quy định rõ thời gian ban hành kết luận thanh tra, khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra.

Luật Thanh tra năm 2022 cũng quy định một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra để phục vụ kịp thời công tác quản lý nhà nước; làm cho hoạt động thanh tra linh hoạt, gắn bó với hoạt động quản lý, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm phát hiện qua công tác thanh tra.

Thứ bảy, Luật đã có quy định về sự phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra. Luật quy định đầy đủ, cụ thể về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước

            Thứ tám, Luật hóa các tiêu chuẩn bổ nhiệm các ngạch thanh tra viên; bỏ quy định cộng tác viên thanh tra. Tiêu chuẩn chung của các ngạch thanh tra viên chính là tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên; các ngạch còn lại (thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp) Luật quy định phải đảm bảo các tiêu chuẩn riêng.

            Luật Thanh tra năm 2022 cũng quy định mới và luật hóa về các trường hợp miễn nhiệm Thanh tra viên.

            Thứ chín, Luật bổ sung các điều kiện bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước: thêm nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động của cơ quan thanh tra; đầu tư hiện đại hóa hoạt động thanh tra theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin.

            Thứ mười, chế định thanh tra nhân dân được tách ra khỏi nội dung của Luật thanh tra năm 2022 và được điều chỉnh tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; bởi vì hoạt động thanh tra là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước, về bản chất khác với hoạt động của ban thanh tra nhân dân là một trong những thiết chế để thực hiện quyền giám sát của nhân dân ở cơ sở.