Quay trở lại danh sách
Thông báo

Giới thiệu Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022

13/01/2023

Ngày 10/11/2022 Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật này có hiệu lực thi hành từ 01/07/2023, thay thế Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20 tháng 4 năm 2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Nghị quyết số 55/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 30 tháng 8 năm 1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có 6 Chương và 91 Điều, bao gồm: Chương 1. Những quy định chung; Chương 2. Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Chương 3. Thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị; Chương 4. Thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động; Chương 5. Tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; Chương 6. Điều khoản thi hành.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 có nhiều điểm mới đã khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, cụ thể có một số điểm mới sau:

Thứ nhất, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 điều chỉnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn; dân chủ trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; dân chủ trong tổ chức có sử dụng lao động.

Thứ hai, Luật quy định 02 địa điểm để thực hiện dân chủ cơ sở, đó là tại nơi cư trú, tại nơi làm việc.

Thứ ba, Luật quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVCNLĐ) trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó bổ sung quy định về ủy quyền thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, và nghĩa vụ của công dân, CBCCVCNLĐ trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Thứ tư, Luật bổ sung các hình thức công khai thông tin, lấy ý kiến thông qua hệ thống thông tin nội bộ, đăng trên cổng, trang thông tin của cơ quan, đơn vị; bổ sung hình thức giám sát thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, đơn vị theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Thứ năm, Luật quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy định cụ thể trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy định kết quả thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị là căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá và xếp loại chất lượng đảng viên đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Thứ sáu, Luật bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện dân chủ ở cơ sở như: gây khó khăn, phiền hà hoặc cản trở, đe dọa công dân thực hiện dân chủ ở cơ sở; giả mạo giấy tờ, gian lận hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bàn, quyết định, tham gia ý kiến của công dân.

Thứ bảyLuật quy định cụ thể việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về dân chủ ở cơ sở sẽ bị xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật.

Thứ tám, Luật bổ sung chế định Thanh tra nhân dân hiện điều chỉnh tại Luật Thanh tra sang quy định tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở do hoạt động của Ban thanh tra nhân dân là một trong những thiết chế để thực hiện quyền giám sát của nhân dân ở cơ sở.