Quay trở lại danh sách
Tuyên truyền- phổ biến pháp luật

Thông tư số 28/2024/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

10/02/2025
Quy định nội dung về thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục và thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục

Ngày 26 tháng 12 năm 2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 28/TT-BGDĐT quy định nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục và thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10/02/2025, với một số nội dung cần phải lưu ý như sau: 

(1) Nội dung thanh tra chuyên ngành đối với cơ sở giáo dục đại học: 

  • Việc ban hành văn bản quản lý nội bộ và phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng bộ máy tổ chức; thực hiện các quy định về công khai trong lĩnh vực giáo dục; công tác thanh tra nội bộ và thực hiện các quy định về tổ chức và hoạt động theo Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường;
  • Việc thực hiện quy định về chuân cơ sở đào tạo, chuẩn chương trình đào tạo, quy chế tuyển sinh; quy chế đào tạo; liên kết đào tạo; quy định về mở ngành đào tạo; biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy, giáo trình; việc in, quản lý văn bằng, chứng chỉ. 
  • Quản lý, giáo dục người học và các chế độ, chính sách đối với người học. 
  • Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, kiểm định chất lượng giáo dục. 
  • Thực hiện quy định về thu, quản lý học phí, các nguồn lực tài chính khác. 
  • Tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ; ứng dụng, phát triển và chuyển giáo công nghệ; thực hiện dịch vụ khoa học; tổ chức hoạt động hợp tác quốc tế về giáo dục. 
  • Hoạt động hợp tác quốc tế, liến kết đào tạo có yếu tố nước ngoài. 
  • Thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị; công tác học sinh, sinh viên và giáo dục thể chất. 
  • Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

(2) Nội dung thanh tra chuyên ngành về thi, tuyển sinh đối với cơ sở giáo dục đại học: 

  • Nội dung thanh tra chuyên ngành về thi bao gồm: công tác tổ chức và quản lý kỳ thi; đăng ký dự thi và chuẩn bị tổ chức thi; công tác in sao, vận chuyển và bảo quản đề thi, bảo quản bài thi; công tác coi thi; công tác chấm thi; xét công nhận tốt nghiệp; thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
  • Nội dung thanh tra chuyên ngành về tuyển sinh, gồm: chỉ tiêu tuyển sinh; việc xây dựng và công bố đề án tuyển sinh; các điều kiện bảo đảm cho công tác xét tuyển; việc thực hiện quy định về xét tuyển; thanh tra việc nhập học và kiểm tra hồ sơ thí sinh trúng tuyển; thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật. 

(3) Nội dung thanh tra chuyên ngành về thực hiện luận văn, luận án; xét, công nhận tốt nghiệp trong cơ sở giáo dục đại học: 

  • Nội dung thanh tra chuyên ngành về thực hiện luận văn, luận án gồm: việc ban hành quy định của đơn vị; quy trình lựa chọn đề tài, phân công cán bộ hướng dẫn; việc bảo đảm điều kiện tổ chức thực hiện luận văn, luận án, điều kiện thành phần chấm luận văn, luận án; việc thực hiện quy định về chấm luận văn, luận án; việc lên điểm, báo cáo, lưu trữ và giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo về luận văn, luận án.
  • Thanh tra việc xét, công nhận tốt nghiệp gồm: việc thành lập Hội đồng xét tốt nghiệp; việc thực hiện quy trình xét, công nhận tốt nghiệp; đối tượng ưu tiên xét miễn, đặc cách tốt nghiệp; việc bảo lưu điểm thi, điểm ưu tiên, điểm khuyến khích; việc cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời và cấp bằng tốt nghiệp; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo và lưu trữ. 

(4) Nội dung thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục: 

  • Thực hiện chính sách và pháp luật về giáo dục.
  • Xây dựng, ban hành các văn bản quy định nội bộ của cơ sở giáo dục theo phân cấp và thẩm quyền. 
  • Thực hiện mục tiêu, kế hoạch, chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục; quy chế chuyên môn, quy chế thi, quy chế tuyển sinh, quy chế đào tạo, quy định về in, quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ; tự chủ mở ngành đào tạo, ban hành chương trình đào tạo, thực hiện các quy định về giáo trình, bài giảng; việc quản lý tài chính, tài sản; hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế; công tác tổ chức cán bộ; việc thực hiện các quy định về điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục; nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên.

  • Thực hiện pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của các đơn vị, tổ chức và cá nhân thuộc cơ sở giáo dục.
  • Thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nhà trường theo quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo.
  • Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

(5) Hình thức thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục: có thể thực hiện theo hai hình thức: 

  • Thanh tra theo kế hoạch hằng năm đã được Thủ trưởng cơ sở giáo dục phê duyệt và được thông báo đến đối tượng thanh tra, các đơn vị, tổ chức, cá nhân, có liên quan;
  • Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện đơn vị, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng hoặc do Thủ trưởng cơ sở giáo dục giao.

Phòng Pháp chế & Thanh tra