Các tổ chức đoàn thể Nhà trường
Công đoàn Khoa Kinh tế và kinh doanh quốc tế: Tích cực hưởng ứng xu hướng chuyển đổi số trong dạy và học
Việc áp dụng khoa học và công nghệ đã và đang tạo ra bước ngoặt phát triển cho giáo dục đào tạo đại học, mở ra nhiều phương thức giáo dục mới, thông minh, hiệu quả hơn và tiết kiệm chi phí cho người học. Đến nay, xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo đại học đã và đang tác động sâu sắc đến nhiều trường đại học.
Nắm bắt xu hướng chuyển đổi số, Trường Đại học Thương mại đã và đang áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong giảng dạy và quản lý sinh viên như triển khai hệ thống phần mềm Trans phục vụ giảng dạy trực tuyến; số hóa dữ liệu sinh viên, thực hiện quản lý sinh viên trực tuyến và triển khai một số dịch vụ hỗ trợ sinh viên như thông tin tuyển sinh, đăng ký thi, công bố điểm thi;… Bên cạnh đó, Trường Đại học Thương mại còn xây dựng và hoàn thiện thư viện thông minh; số hóa từng bước các tài liệu, giáo trình và bài giảng; tiến đến xây dựng và đồng bộ kho tài nguyên số phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu của giảng viên và sinh viên.
Hiện tại, Trường Đai học Thương mại đang tiếp tục xây dựng học liệu số, phục vụ công tác giảng dạy từ xa qua LMS. Những bước đầu tiên thực hiện không thể tránh khỏi nhiều khó khăn, thách thức cho cả nhà trường và từng khoa chuyên ngành.
Nắm bắt được thực trạng đó, ngày 21 tháng 03, năm 2023, Công đoàn Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế (KT&KDQT) tổ chức tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng học liệu số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học trong bối cảnh chuyển đổi số”, mở ra cơ hội chia sẻ và trao đổi thông tin, kinh nghiệm xây dựng học liệu số giữa các Công đoàn viên trong Khoa. Đây cũng là hoạt động hưởng ứng chào mừng của Công đoàn Khoa KT&KDQT chào mừng “Tháng 3 – Tháng của những yêu thương” do Công đoàn Trường Đại học Thương mại phát động tại Thông báo số 06/TB-CĐ ngày 16 tháng 02 năm 2023 của Công đoàn trường Đại học Thương mại. Đến dự buổi tọa đàm Công đoàn Khoa, về phía nhà trrường có TS. Vũ Thị Thu Hương - Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn Trường Đại học Thương mại và TS. Phan Thế Công – Trưởng khoa Kinh tế - Trường Đại học Thương mại TS. Nguyễn Duy Đạt – Trưởng khoa KT&KDQT Cùng toàn thể công đoàn viên khoa KT&KDQT.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Nguyễn Duy Đạt – Trưởng khoa KT&KDQT thể hiện sự vui mừng và tự hào khi Ban Chấp hành Công đoàn Khoa và toàn thể Công đoàn viên – giảng viên Khoa KT&KDQT rất hào hức, tích cực thực hiện nhiệm vụ xây dựng học liệu số, theo chỉ đạo của Ban Giám hiệu nhà trường. “Tọa đàm được tổ chức ngày hôm nay sẽ mang lại nhiều thông tin hữu ích cho các giảng viên của Khoa, trong việc xây dựng học liệu số cũng như giảng dạy trực tuyến sau này”.
Mở đầu tọa đàm, TS. Phan Thế Công – Trưởng khoa Kinh tế, với hơn 15 năm kinh nghiệm xây dựng chương trình đào tạo trực tuyến cho hơn 10 trường đại học trên toàn quốc, đã giải thích chi tiết, cặn kẽ về đào tạo trực tuyến - elearning và phương pháp triển khai elearning trên toàn thế giới cũng như một số trường đại học đi đầu xu hướng ở Việt Nam như Đại học Mở, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Ngoại Thương,… Nhiều bí kíp xây dựng slide bài giảng hay quay video bài giảng sao cho vừa đúng yêu cầu kỹ thuật, vừa sinh động, hấp dẫn người học cũng được TS. Phan Thế Công “bật mí” với các giảng viên Khoa.
Tiếp nối bài trình bày của TS. Phan Thế Công, các Công đoàn viên Khoa cũng sôi nổi trao đổi về nhiều kinh nghiệm về cách thức chuẩn bị trước khi quay bài giảng từ trang phục, chỗ ngồi cho đến bài giảng text,… Các phần mềm hỗ trợ quay video và biên tập video dễ sử dụng và mang lại hiệu quả cao cũng được tất cả mọi người hào hứng chia sẻ, cùng hỗ trợ nhau thực hiện học liệu số.
Tâm huyết với xu hướng chuyển đổi số và phương pháp xây dựng bài giảng số đang được nhà trường triển khai sâu rộng, ThS. Nguyễn Thị Thanh – Công đoàn viên – giảng viên Bộ môn Kinh tế quốc tế thậm chí còn tiến hành khảo sát số lượng lớn sinh viên trong khoa về “Cảm nhận của sinh viên về giảng dạy và học tập trên hệ thống LMS”. Kết quả thu được rất khả quan, hơn 80% sinh viên được khảo sát hài lòng và yêu thích việc học trực tuyến. Bên cạnh đó, toàn bộ ý kiến đóng góp của các bạn sinh viên về hệ thống LMS, giảng dạy và học tập cũng được các thầy cô trong Khoa ghi nhận và chắc chắn sẽ điều chỉnh trong việc xây dựng học liệu số của các học phần tiếp theo.
Kết thúc tọa đàm, TS. Trần Thị Thu Hương – Trưởng Bộ môn Logistics và Chuỗi cung ứng đã giới thiệu một case study hoàn chỉnh về “Ứng dụng mô hình mô phỏng trong đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng”.
Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng học liệu số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học trong bối cảnh chuyển đổi số” do Công đoàn Khoa KT&KDQT tổ chức đã kết thúc thành công tốt đẹp, góp phần tháo gỡ những “nút thắt” trong quá trình xây dựng học liệu số của cả 03 chương trình đào tạo của khoa.